Thời trang trên phim luôn hấp dẫn với người xem. Có nhiều xu hướng thời trang đã được bắt đầu từ những bộ phim và tạo cảm hứng cho các nhà thiết kế. Đó là những bộ phim nào thì hôm nay hãy cùng Twenti tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé.
Những kẻ khờ mộng mơ (La La Land)
La La Land là câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp thời hiện đại giữa chàng nhạc công piano tài hoa chuyên diễn tại các quán bar Sebastian và cô diễn viên mới nổi xinh đẹp Mia Dolan. Thế nhưng, ở thiên đường điện ảnh Hollywood, tình yêu và sự thành công dường như không thể song hành. Khi thành công và sự nổi tiếng đến, họ sẽ phải đối mặt ra sao?
Một đôi trai tài gái sắc cùng đam mê nghệ thuật, tình cờ gặp gỡ nhau nơi thành phố Los Angeles sôi động. Mia luôn khao khát trở thành một ngôi sao nổi tiếng ở kinh đô điện ảnh thế giới còn Sebastian là nhạc sĩ viết nhạc jazz trong một quán bar nhỏ. Cả hai đã hòa quyện vào nhau bằng mật ngọt tình yêu, đầy chất nhạc. Thế nhưng, những ước mơ, những thử thách và biết bao khó khăn trước mắt sẽ là động lực hay là “rào cản” thành danh của cả hai trên bước đường nghệ thuật chông gai và cám dỗ?
Và nếu thiếu đi những bộ trang phục hợp thời trang và bắt mắt dành cho đôi tình nhân Mia – Sebastian, có lẽ “Những kẻ khờ mộng mơ” (La La Land) sẽ không thể có được khuôn hình đẹp hoàn hảo đến như vậy.
Liên Minh Sát Thủ (Allied)
“Allied” – Liên Minh Sát Thủ là bộ phim về đề tài điệp viên, xoay quanh câu chuyện về Max Vatan và Marianne Beausejour. Lấy bối cảnh vào năm 1942, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tình báo điệp viên: ám sát một đại sứ người Đức, Max gặp và quen biết Marianne đến từ quân kháng chiến Pháp. Cùng sánh vai nhau trong những thời khắc sống còn, tình cảm giữa hai người đã nảy sinh và họ đã quyết định tiến tới hôn nhân. Mọi chuyện rắc rối xảy ra khi Max nhận được tin tức tình báo, nghi ngờ vợ anh là một gián điệp Đức. Giữa vận mệnh của đất nước và tình cảm cá nhân, anh sẽ nghiêng về bên nào?
“Allied” – Liên Minh Sát Thủ của đạo diễn Robert Zemeckis không chỉ xoay quanh chuyện tình cảm động của sĩ quan tình báo Anh Max Vatan và thành viên của lực lượng kháng chiến Pháp Marianne Beausejour mà còn để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả bởi những bộ cánh trang nhã. Sang trọng và quyến rũ, trang phục trong phim “Allied” tái hiện những năm tháng huy hoàng nhưng cũng đầy dữ dội của thập niên 40.
Shakespeare Đang Yêu (Shakespeare in Love)
Diễn xuất tuyệt vời của cặp diễn viên Gwyneth Paltrow (Viola De Lesseps) và Joseph Fiennes (William Shakespeare) cùng nội dung đậm chất nghệ thuật đã giúp “Shakespeare Đang Yêu” (Shakespeare In Love) giành bảy giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Phục trang đẹp nhất.
Các thiết kế trang phục dạ hội dưới bàn tay tài năng của nhà thiết kế phục trang nổi tiếng Sandy Powell, vẫn giữ nguyên nét cổ điển ở thời nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất nhưng được thêm chút pha trộn sắc màu hiện đại bắt mắt đã làm say đắm biết bao tín đồ yêu thích thời trang.
Nàng Serena (Serena)
Cặp đôi tài năng Jennifer Lawrence và “người chồng màn ảnh” tài tử Bradley Cooper đã có màn trình diễn tái hợp ăn ý lần thứ 3 trong trong tác phẩm “Nàng Serena” (Serena). Bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ron Rash, được bấm máy quay tại Cộng hòa Séc vào năm 2012 dưới sự dẫn dắt của nữ đạo diễn Susanne Bier sau thành công vang dội của hai bộ phim trước đó là Silver Linings Playbook (2012) và American Hustle (2013).
Nàng Serena khoác lên mình phong cách thời trang của thập niên 20, toát lên vẻ đẹp nữ quyền khiến người khác phải kiêng dè, nhưng cũng đầy gợi cảm, quyến rũ đến say đắm lòng người.
Săn tiền kiểu Mỹ (American Hustle)
Ngay từ khi còn là một dự án thì bộ phim Săn tiền kiểu Mỹ (American Hustle) đã là tâm điểm của giới truyền thông, bởi quy tụ một dàn diễn viên hạng A gồm những ngôi sao tên tuổi tài năng như Jennifer Lawrence, Bradley Cooper, Amy Adams, Christian Bale và Jeremy Renner.
Săn tiền kiểu Mỹ dựa trên một sự kiện có thật vào những năm 70-80 về chiến dịch chống tham nhũng của FBI gây chấn động nước Mỹ mang tên Abscam, khi ấy con người sống rất mưu mô, toan tính bất chấp mọi thủ đoạn để tiến thân. Lối sống xa hoa phù phiếm ấy đã được thể hiện chân thực qua bức tranh thời trang ngoạn mục với phong cách tự do, phóng khoáng và đầy nổi loạn của xã hội Mỹ thập niên 1970.
NTK trang phục hàng đầu Hollywood Michael Wilkinson cho biết chủ yếu các mẫu thiết kế trang phục là do ông phác thảo. Các tín đồ yêu thích thời trang đều không thể rời mắt khỏi hai bóng hồng gợi cảm là người vợ xinh đẹp Rosalyn (Jennifer Lawrence) như một ẩn số và cô nàng ma mãnh Sydney Prosser (Amy Adams) sở hữu thân hình bốc lửa.
Yêu Nữ Thích Hàng Hiệu (The Devil Wears Prada)
Hầu hết tất cả mọi phụ nữ đều yêu thích các fashionista, bởi họ sành điệu, am hiểu về thời trang, luôn nắm bắt xu hướng. Thậm chí làm nên xu hướng, thổi “luồng gió” mới vào những phong cách thời trang tưởng chừng đã bị lãng quên.
Đôi khi với phong cách thời trang độc lạ, làm phá vỡ mọi nguyên tắc lại mang đến nguồn cảm hứng sáng tạo tuyệt vời cho những nhà thiết kế thời trang. Ai cũng có thể trở thành một fashionista. Nhưng làm thế nào có thể trở thành một fashionista?. Nữ phóng viên Lauren Weisberger, từng làm trợ lý cho tổng biên tập Vogue – Anna Wintour trong suốt 8 năm đã làm các tín đồ thời trang “điên đảo” với tác phẩm: Yêu Nữ Thích Hàng Hiệu – The DEVIL wears PRADA”, được chuyển thể thành phim phát hành năm 2006 với diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep và Anne Hathawa.
Phim dẫn dắt người xem bước vào thế giới thời trang do NTK lừng danh Patricia Field đảm nhận phần phục trang với kinh phí $100.000, không chỉ làm mãn nhãn phái nữ với những nhãn hiệu đắt tiền từ Chanel, Galliano, Donna Karan, Bill Blass, Prada… mà “Yêu Nữ Thích Hàng Hiệu” còn mang đến “bí quyết” để có thể trở thành fashionista.
Lời tự thú của một tín đồ shopping (Confessions of a Shopaholic)
Những bộ cánh đẹp hợp thời trang, luôn bắt kịp xu hướng không bao giờ là đủ đối với phụ nữ. Chính vì vậy, phái đẹp sẵn sàng tiêu tốn hàng tá thời gian cho việc mua sắm, dù rằng trong túi có cạn hầu bao. “Lời Tự Thú Của Một Tín Đồ Shopping” được chuyển thể từ tác phẩm best-seller cùng tên của nhà văn Sophie Kinsella, đã khéo léo đào sâu thói quen bị “nghiện” của phụ nữ, qua hình ảnh của cô nàng “tín đồ” Rebecca Bloomwood (Isla Fisher) bằng ngôn ngữ điện ảnh đầy tính chân thực.
Để tái hiện thành công thế giới thời trang xa hoa, lộng lẫy, NTK hàng đầu Patricia Field, có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang, đã bắt tay góp phần làm nên phong cách thời trang đẳng cấp cho các nhân vật trong phim với những bộ trang phục, phụ kiện thật ấn tượng nhằm đưa khán giả vào thế giới thời trang hàng hiệu cao cấp, sang trọng và làm mê hoặc bất cứ tín đồ shopping nào.
Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind)
Bộ phim “Cuốn theo chiều gió” có 10 giải Oscar, gồm: Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Dù bạn thuộc thế hệ nào thì hãy nên thưởng thức kiệt tác “Cuốn theo chiều gió” của nhà văn Margaret Mitchell một lần trong đời, vì đây được xem như là biểu tượng tiêu biểu cho nền văn hóa Mỹ, bởi khắc họa rõ nét về bối cảnh diễn ra trong thời nội chiến Mỹ (1861), đồng thời để lại dấu ấn khó quên trong lòng công chúng khi xây dựng thành công hình ảnh về hai nhân vật chính là người đàn ông cơ hội và đểu cáng mang tên Rhett Butler (Clark Gable) và cô gái quý tộc miền Nam bướng bỉnh, nhẫn tâm và đầy nghị lực, có lối sống thực dụng như Scarlett O Hara (Vivien Leigh) đã phản ánh thật sống động tư tưởng của phần lớn dân Mỹ vào thời đó và còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, hay bất cứ ai cũng có thể tìm thấy bóng dáng mình qua câu chuyện cũng như nhân cách của cặp uyên ương này.
Có thể nói tạo hình cho nhân vật Scarlett O’Hara là một trong những thành tựu nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của NTK phục trang tài ba Walter Plunkett. Tính cách nữ quyền và tràn đầy nhựa sống trong một vóc dáng thục nữ yêu kiều khiến bao chàng phải ngất ngây. Điều này khiến cho Walter Plunkett cảm thấy hứng thú, vì vậy đã dày công nghiên cứu lịch sử về trang phục, phụ kiện của thế kỷ 19, dưới thời nội chiến nước Mỹ với sự chú tâm sâu sắc đến từng chi tiết, để thiết kế ra 30 bộ phục trang tuyệt đẹp dành riêng cho nữ nhân vật này.
Ông bà Smith (Mr & Mrs Smith)
Những câu chuyện về đề tài hôn nhân được chia sẻ một cách thuần túy, vô tình đã mang đến ý tưởng thú vị cho nhà biên kịch Simon Kinberg sau khi ông nghe một vài người bạn của mình kể về những cuộc tư vấn cho hôn nhân của họ. Simon Kinberg nhận thấy cách mà họ mô tả lại những buổi trị liệu đó có vẻ mang tính “vụ lợi” và “ăn thua đủ”.
Thế là hình mẫu “người tám lạng kẻ nửa cân” cho mối quan hệ vợ chồng đầy kịch tính trong bộ phim hành động Mr & Mrs Smith đã ra đời, và được đạo diễn Doug Liman đưa lên màn ảnh rộng thành công ngoài sức mong đợi. Không chỉ mang về doanh thu 478 triệu USD toàn cầu, mà còn “kết duyên” cho nữ minh tinh Angelina Jolie và tài tử Brad Pitt trở thành cặp đôi hoàn hảo khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Khâu tạo hình xây dựng nhân vật và thời trang trong phim đã được giao cho NTK phục trang Michael Kaplan phụ trách. Bộ phim còn mang đến những bí quyết làm sao để ăn mặc đẹp dành cho những cặp vợ chồng yêu thích thời trang.
Hậu Duệ Mặt Trời (Descendants Of The Sun)
Song Hye Kyo là một trong những ngọc nữ của làng showbiz Hàn với vẻ đẹp thánh thiện và nhẹ nhàng. Cùng song hành với vẻ đẹp trong sáng không tuổi của mình, phong cách thời trang của Song Hye Kyo cũng mang một màu sắc trung hòa, không hề kịch tính.
Sự xuất hiện của Song Hye Kyo đã làm tăng thêm độ lan tỏa và sức ảnh hưởng của thời trang trong bộ phim Hậu Duệ Của Mặt Trời vì phong cách minimal rất dễ áp dụng vào thực tế.Thời trang luôn nắm giữ vai trò quan trọng trong những bộ phim đến từ xứ sở kim chi, và Hậu Duệ Của Mặt Trời cũng không là ngoại lệ.