Cảm ơn bạn đã ghé thăm Độc Shop. Hôm Nay, Độc sẽ gửi đến các bạn bài viết Vải Denim là gì? Đặc điểm, ứng dụng, phân loại vải denim Mong các bạn có những kiến thức thú vị về thời trang nhé.
Vải denim là một loại vải rất phổ biến trên thị trường hiện nay. Chúng có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống của chúng ta, trong đó ứng dụng phổ biến nhất là may quần áo.
Tuy nhiên, nhiều người còn chưa biết nhiều thông tin về loại vải này cũng như nhầm lẫn giữa vải denim và vải jean. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn khám phá khái niệm về vải denim và phân biệt 2 loại vải denim và jean. Cùng Độc Shop tìm hiểu về bài viết này nhé
Vải Denim là gì?
Vải denim được biết đến là một loại vải thô nhưng có độ bền cao, được dệt từ những sợi cotton 100%. Để tạo nên những tấm vải denim, người ta sử dụng hình thức dệt kết hợp nhiều sợi trắng và sợi chàm chạy theo 2 hướng là dọc và ngang tạo thành hình thoi.
Ngoài vải denim nguyên bản, chất liệu vải denim cao cấp còn được pha thêm sợi polyester hoặc sợi lycra giúp vải không co và chống nhăn hiệu quả.
Vải denim truyền thống có màu xanh lam. Do mật độ sợi vải rất cao, vì vậy khi sờ vào vải denim, ta có cảm giác vải khá cứng.
Đặc điểm của vải Denim
Chất liệu này khá thô và cứng, vì vậy nó có khả năng chống mài mòn tốt, khi dùng để may các loại quần áo sẽ tạo được form dáng cứng cáp.
Ngoài ra, vải denim cũng rất ít bị nhăn. Tuổi thọ của các món đồ được may bằng vải denim rất cao. Độ co giãn vừa phải và khả năng thấm mồ hôi tốt giúp người mặc cảm thấy thoải mái khi diện những bộ trang phục làm từ vải denim.
Màu truyền thống của vải denim là màu đen, xanh và trắng, trong đó phổ biến nhất là màu xanh chàm. Tuy nhiên, hiện nay, người ta cũng sử dụng công nghệ nhuộm màu để đem lại bảng màu đa dạng hơn cho vải denim, bao gồm màu hồng, vàng, xanh lá, …
Nguồn gốc và lịch sử phát triển của vải Denim
Từ “denim” bắt nguồn từ tiếng Pháp “Serge de Nimes”. Đây là từ dùng để chỉ một loại vải đặc biệt được sản xuất tại thành phố Nimes của Pháp.
Vào năm 1853, các công nhân khai thác mỏ tại Mỹ cần một loại vải có độ bền cao để làm đồ bảo hộ lao động. Một doanh nhân tên Levi Strauss đã sử dụng vải canvas để may đồ.
Tuy nhiên, loại vải này khi mặc sẽ chà xát vào cơ thể, khiến người mặc cảm thấy khó chịu. Lúc này, Levi đã thay thế vải canvas bằng vải denim. Loại vải này khắc phục được nhược điểm của vải canvas, vì vậy những chiếc quần jean nhanh chóng được ưa chuộng.
Đến năm 1872, Levi Strauss gặp một người thợ may tên David Jacob. David Jacob đã thiết kế thêm phần đinh tán gắn lên quần để giúp chiếc quần giữ form tốt hơn và bền bỉ hơn. Mẫu quần denim đinh tán này đã được Levi và Jacob đăng ký bản quyền.
Những chiếc quần denim mang thương hiệu Levi Strauss & Co được sản xuất và bán rộng rãi hơn. Đến năm 1886, thương hiệu Levi Strauss & Co đã thiết kế thêm một miếng da in logo 2 con ngựa kéo căng chiếc quần trên phần đai quần để khách hàng dễ nhận biết quần denim của mình giữa các thương hiệu khác trên thị trường.
Năm 1930, những chiếc quần vải denim được các diễn viên phim Hollywood sử dụng với hình ảnh những chàng trai cao bồi đầy phóng khoáng và bụi bặm.
Năm 1950, được truyền cảm hứng bởi 2 bộ phim The Wild One 1953 và Rebel Without a Cause 1955, quần denim đã được những bạn trẻ tại Mỹ ưa chuộng và sử dụng nhiều hơn.
Tuy nhiên, do nguồn gốc của nó là những chiếc quần sử dụng cho người lao động nặng, một bộ phận lớn người Mỹ cho rằng những bạn trẻ mặc quần denim là những thanh niên không ưu tú. Dù vậy, có đến 90% giới trẻ Mỹ vẫn mặc quần denim.
Đến năm 1970, quần denim đã trở thành một làn sóng thời trang vô cùng mạnh mẽ. Những chiếc quần denim truyền thống đã được khoác lên một diện mạo mới, từ đính hạt, đính đinh tán, thêu, sơn đến thiết kế ống loe, ống côn…
Nếu trước đây, quần denim chỉ dành cho đàn ông thì đến thời điểm này, phái nữ cũng sử dụng quần denim, đặc biệt là nữ diễn viên Cindy Crawford trong “Thiên thần của Charlie 1976”. Quần denim là một mặt hàng bình dân, được bán ở mọi nơi và gần như ai cũng mặc quần denim.
Đến những năm 1980, quần denim đã được đưa lên một tầm cao mới. Những nhà thiết kế thời trang của các thương hiệu cao cấp đã sử dụng chất liệu denim cho bộ sưu tập của mình. Lúc này, những chiếc quần denim có giá cao hơn rất nhiều.
Những năm 1990, khi tình hình kinh tế thế giới khó khăn, người dân không còn muốn mua quần denim. Họ cũng cho rằng quần denim đã trở nên cũ kĩ và lạc hậu.
Đến thế kỷ XXI, một lần nữa, quần denim xuất hiện trở lại và một lần nữa tạo nên một cơn sốt trong làng thời trang. Nó được thiết kế với màu sắc và kiểu dáng đa dạng hơn, phù hợp với tất cả mọi người.
Ưu nhược điểm vải denim
Vải denim sở hữu rất nhiều ưu điểm như dày dặn, bền bỉ và không bị nhăn. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại 1 số nhược điểm như có thể bị bạc màu, lâu khô và vải rất ít co giãn.
Ưu điểm của vải denim
– Giữ form tốt: Những món đồ may từ vải denim có form cứng cáp, giữ form tốt, vì vậy phù hợp với mọi dáng người. Cũng bởi vải giữ form tốt nên bạn không cần quá cầu kỳ trong việc bảo quản sản phẩm.
– Bền bỉ: Độ bền của những sản phẩm làm từ vải denim rất cao. Những sản phẩm từ vải denim có thể sử dụng từ 5 đến 7 năm, thậm chí là hơn mà không lo bị hỏng.
– Không nhăn: Vải không bị nhăn dù giặt bằng máy, không cần là ủi khi sử dụng. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức khi làm sạch vải.
– Có thể sử dụng ở mọi thời tiết: Khả năng thấm mồ hôi vào mùa hè của vải ở mức ổn. Độ dày của vải cũng có thể giữ ấm cơ thể vào mùa đông. Những món đồ làm từ vải denim có thể sử dụng trang phục vải denim cả mùa đông và mùa hè.
Nhược điểm của vải Denim
– Độ bền màu thấp, vải có thể bị phai, bạc khi giặt nhiều lần
– Do vải cứng và dày, vì vậy khi giặt, các sản phẩm làm từ vải denim cũng rất lâu khô. Đặc biệt, nếu trời mưa hay thời tiết có độ ẩm cao thì phải chờ rất lâu vải mới khô
– Khả năng co giãn của vải rất hạn chế, vì vậy các loại trang phục được may từ vải denim không phù hợp để mặc khi hoạt động nhiều
Quy trình sản xuất vải Denim
Vải denim được làm từ bông, trải qua quy trình bao gồm kéo sợi, nhuộm sợi, phủ keo và dệt vải.
Xử lý bông – kéo sợi
Bông sau khi được thu hoạch sẽ được chuyển đến nhà máy. Lúc này, bông sẽ được loại bỏ tạp chất, sau đó trộn bông nguyên liệu thành từng búi.
Sau đó, từng búi này sẽ được chải thành các sợi bông nhỏ có độ dài bằng nhau, loại bỏ những sợi bông quá ngắn. Cuối cùng, sợi bông sẽ được chuyển tới nhà máy kéo sợi để quấn vào suốt chỉ.
Nhuộm sợi
Phần bông nguyên liệu đã qua xử lý sẽ được mang một phần đi nhuộm. Phần bông được nhuộm sau này sẽ dùng để dệt đường dọc của vải, phần bông không nhuộm dùng để dệt các sợi ngang.
Ban đầu, các sợi bông chỉ được nhuộm bằng màu chàm, khiến những tấm vải denim chỉ có 1 màu. Đến những năm 1990, người ta đã sử dụng chất nhuộm có nguồn gốc từ lưu huỳnh để nhuộm vải, khiến vải denim có những màu sắc khác như đen, màu ô-liu, đỏ đun, nâu…
Hồ sợi
Sợi bông sau khi được nhuộm sẽ được nhúng vào dung dịch keo, sau đó sẽ được sấy khô. Điều này sẽ khiến cho sợi bông trở nên cứng hơn. Quá trình hồ sợi được thực hiện ngay sau khi nhuộm sợi vải và cũng chỉ thực hiện đối với phần sợi đã nhuộm.
Dệt vải
Các sợi bông đã được nhuộm và không nhuộm sẽ được dệt chéo nhau theo hình thoi. Điều này giúp vải cứng cáp và đanh. Ban đầu, quần jean không có khả năng co giãn. Đến khoảng những năm 1990, người ta đã thêm vào vải sợi co giãn để tạo nên khả năng co giãn cho vải.
Sau khi dệt, vải được chuẩn bị cho các quá trình hoàn thiện như loại bỏ sợi rời, loại bỏ xơ vải. Vải denim cuối cùng sau đó được gấp lại thành các cuộn vải và sẵn sàng để vận chuyển.
Phân loại vải denim
Các loại vải denim trên thị trường hiện nay được chia thành 4 loại, bao gồm Dry denim, Raw denim, Selvedge denim và Poly denim.
Dry denim
Dry denim là loại vải denim có màu xanh đậm, không wash màu . Vì vậy, rất dễ bị phai màu sau khi giặt. Khi sử dụng những sản phẩm làm từ loại vải này, bạn nên hạn chế tối đa việc giặt đồ để tránh bị phai màu.
Raw denim
Raw denim là loại vải không được giặt sau khi nhuộm. Do vậy, đặc điểm của loại vải này là nặng và cứng. Thậm chí, một số loại quần áo được may bằng loại vải này có thể dựng đứng mà không cần giá đỡ hay móc treo đồ. Màu sắc của loại vải này khá tươi
Thông thường loại này sẽ mặc được từ 6 tháng đến 1 năm không giặt để vừa vặn với cơ thể người mặc. Những người yêu thích đồ denim thô thường để quần jean của họ trong tủ lạnh qua đêm để diệt vi trùng và vi khuẩn.
Selvedge denim
Một cách gọi khác của selvedge denim được nhiều người dùng là vải denim may biên. Ở công đoạn nhuộm, phần vải denim biên này là hàng sọc trắng, không bị dính màu nhuộm và được may dọc theo thân quần hoặc thân áo. Đây được coi là loại vải bền và có chất lượng tốt nhất trong số loại denim.
Poly denim
Cụm từ “poly denim” được biết đến rộng rãi trong giới thời trang, dùng để chỉ các sản phẩm denim được tạo nên từ hỗn hợp bông, polyester và các loại sợi nhân tạo khác, như lyocell, nylon,… Theo quan điểm của một số người, họ không coi denim poly là denim “thật”.
Cách nhận biết vải Denim
Vải denim có thể nhận biết khi quan sát bằng mắt đó là nó có những màu đặc trưng như đen, trắng và xanh. Khi nhìn kỹ, đặc biệt là đối với vải denim màu xanh, bạn sẽ thấy sự đan xen giữa các sợi vải được nhuộm màu và các sợi vải màu màu trắng. Khi sờ vào vải, bạn sẽ thấy vải có độ cứng, độ co giãn thấp và vải khá nặng.
Ứng dụng của vải Denim
Vải denim xuất hiện từ 2 thế kỷ trước, cho đến ngày nay, nó đã được ứng dụng rất nhiều vào cuộc sống. Các lĩnh vực sử dụng vải denim bao gồm may mặc, thiết kế nội thất và một số lĩnh vực khác như sản xuất ô tô, phụ kiện,…
Trong lĩnh vực may mặc
Vải denim được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực may mặc. Vải denim có thể tạo nên các loại trang phục như áo khoác, quần dài, chân váy, yếm, quần short, áo sơ mi…
Quần áo vải denim được ưa chuộng bởi độ giữ form tốt, tuổi thọ cao, đem lại một diện mạo vừa lịch sự vừa khỏe khoắn và bụi bặm.
Trong lĩnh vực thiết kế nội thất
Vải denim cũng được ứng dụng trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Chúng được sử dụng để làm lớp vải bọc ghế sofa, bọc đèn, rèm cửa… Các sản phẩm vải denim trong lĩnh vực nội thất vừa có độ bền cao, lại có khả năng tô điểm cho không gian.
Trong các lĩnh vực khác
Vải denim cũng được sử dụng để bọc nội thất ô tô, làm chăn ga gối đệm. Đặc biệt, vải denim mỏng còn dùng để sản xuất các loại phụ kiện như túi xách, thắt lưng, giày thể thao, dép…
Phân biệt vải jeans và vải denim
Nhiều người thường cho rằng vải jean là vải denim và thường gọi chung các sản phẩm được làm từ vải denim là jean. Tuy nhiên, trên thực tế, vải jean và vải denim khá khác nhau.
Từ jean thường được dùng để gọi một loại quần – quần jeans. Jeans chính là tên gọi riêng của loại quần này. Vải jean có nguồn gốc từ Genoa, Italy.
Vải jean được dệt bằng sợi bông và sợi len hoặc hoàn toàn bằng sợi bông. Vì vậy, vải jean có đặc điểm khá tương tự với vải denim. Tuy nhiên, nếu vải denim được dệt từ sợi không màu và sợi có màu thì vải jean được dệt hoàn toàn từ sợi có màu.
Vải denim thịnh hành tại Mỹ, trong khi vải jean lại thịnh hành ở châu Âu. Giá các sản phẩm làm từ vải jean rẻ hơn so với vải denim nhưng độ bền của chúng lại không bằng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vải jean denim được gọi chung là vải bò.
Cách bảo quản và vệ sinh vải denim
Để giữ các sản phẩm làm từ vải denim bền màu hơn, bạn cần lưu ý đến cách bảo quản và vệ sinh chúng:
– Sau khi mua vải denim về, bạn nên ngâm quần áo vải denim trong nước lạnh có pha muối trong 12 giờ rồi giặt sạch. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng phai màu ở những lần giặt sau này. Ngoài cách trên, một kinh nghiệm khác bạn có thể sử dụng đó là để quần/áo vải denim mới vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 24 tiếng trước khi dùng.
– Trong quá trình sử dụng, không nên giặt quá thường xuyên. Việc giặt vải denim nhiều lần sẽ khiến sản phẩm nhanh chóng bị phai màu và mất đi hình dáng ban đầu.
– Nên sử dụng nước giặt hơn bột giặt vì vải sẽ dễ bám bột giặt hơn, làm phai màu hoặc ảnh hưởng đến chất lượng quần áo. Không giặt các loại trang phục vải denim trong nước nóng
– Trang phục có chất liệu denim là một trong số những thứ bắt buộc nên giặt riêng với đồ màu nhạt để tránh bị ra màu sang những đồ khác.
– Không sấy khô quần áo vải denim bằng máy sấy hay tủ sấy bởi nhiệt độ cao có thể khiến vải bị dão.
Câu hỏi thường gặp về denim
Denim là gì?
Vải denim là loại vải được làm từ sợi bông. Vải denim trở thành một phần quan trọng trong đời sống của chúng ta, không chỉ trong lĩnh vực thời trang mà còn các lĩnh vực khác như thiết kế nội thất, sản xuất phụ kiện…
Quần denim là gì?
Quần denim là quần được may từ vải denim. Quần denim có đặc tính cứng, dày và nặng nên ban đầu chỉ được dùng để làm đồ bảo hộ lao động. Sau này, quần denim được đưa vào thời trang với thương hiệu nổi tiếng và lâu đời nhất là Levi Strauss & Co.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có được những thông tin hữu ích nhất về vải denim. Denim là chất liệu rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Khi hiểu về chất liệu này, bạn có thể mặc đẹp và sử dụng bất cứ sản phẩm nào làm từ denim theo cách tốt nhất.